Khái niệm giáo dục sớm không phải mới, thế nhưng bản chất của vấn đề vẫn chỉ đang được phân tích qua loa và thu hút sự quan tâm hời hợt từ những phụ huynh. Bạn thực sự đã hiểu rõ về giáo dục sớm? Hãy cùng chúng tôi phân tích những khía cạnh về giáo dục sớm trước khi khẳng định điều đó nhé!
Từ giai đoạn sơ sinh đến mẫu giáo trẻ em trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển rất nhanh. Thời điểm bước vào cánh cửa lớp học mẫu giáo, não bộ của trẻ đã phát triển được 90% khả năng. Và giáo dục sớm đóng góp đáng kể vào điều này. Vậy chính xác giáo dục sớm là gì? Nó được thiết lập ra sao để nuôi dưỡng trẻ phát triển toàn diện? Hậu quả của sự lơ là giáo dục sớm là gì? Bài viết sau sẽ giúp cha mẹ trả lời tất cả những thắc mắc trên.
Giáo dục sớm là gì?
Giáo dục sớm là khái niệm chỉ chương trình và chiến lược giáo dục trong những năm đầu tiên của cuộc đời, từ sơ sinh đến 8 tuổi. Đây là giai đoạn tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ nhất của trẻ. Vì vậy việc xây dựng nền tảng về giáo dục nhận thức, thể chất và tinh thần là cực kỳ cần thiết. Giáo dục sớm có vai trò nuôi dưỡng và tạo nền móng vững chắc để trẻ có một cuộc sống lành mạnh và thành công trong tương lai.
Trẻ nhỏ thường bắt đầu học những điều cơ bản từ cách đi, nói chuyện, gọi tên màu sắc và hình dạng những đồ vật trong nhà. Trẻ bắt đầu học bảng chữ cái và cách đếm, đây là những khía cạnh cơ bản nhất của việc học. Tuy nhiên, giáo dục sớm cũng cho phép trẻ em có cơ hội áp dụng những gì đã học ở nhà vào một môi trường thực tế, tương tác với các cá nhân bên ngoài gia đình.
Các lớp học mầm non cung cấp cho trẻ nhỏ một môi trường nuôi dưỡng an toàn nơi trẻ có cơ hội tương tác với bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội nhằm kích thích bộ não phát triển toàn diện.
Điều quan trọng cần biết về giáo dục sớm
Giáo dục sớm kích thích não bộ ở giai đoạn phát triển quan trọng nhất
Theo các nghiên cứu khoa học, từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển vượt trội, có hơn 1000 tỷ kết nối giữa các tế bào thần kinh với nhau. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, trẻ 6 tuổi hầu như não bộ đã hoàn thiện 100%. Điều này đồng nghĩa với việc qua ngưỡng 6 – 8 tuổi thì trẻ chỉ có thể phát triển khả năng và tri thức, não bộ đã được định hình. Vì vậy, giáo dục càng muộn thì tiềm năng con người sẽ phát huy càng ít trong tương lai.
Giáo dục sớm trong thời kỳ vàng này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển trí não của trẻ, cung cấp nền tảng vững chắc cho quá trình học tập trong tương lai. Giáo dục sớm hình thành để thử thách, kích thích và nuôi dưỡng sự phát triển trong những năm tháng đầu đời, tạo cho trẻ em cơ hội tốt nhất để phát triển lành mạnh và toàn diện.


Phương pháp giáo dục sớm khác nhau
Giáo dục sớm cũng bao gồm nhiều cách tiếp cận khác nhau. Một số trường mầm non được xây dựng tập trung vào việc hòa nhập ngôn ngữ. Điều này cho phép trẻ nhỏ trau dồi kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ và phát triển sự trôi chảy, nhanh nhạy khi sử dụng ngôn ngữ. Ở phương Tây, một số trường học có thể dựa trên đức tin và hình thành chương trình giảng dạy xung quanh vấn đề tôn giáo.
Ngoài ra còn có nhiều loại mô hình dạy học khác nhau ở các cơ sở giáo dục mầm non:
- Giáo dục Montessori đặc biệt phổ biến, với triết lý dựa trên việc dạy trẻ em theo tốc độ và khả năng riêng của trẻ.
- Ngoài ra, triết lý mang tên Waldorf giữ trẻ em theo một lịch trình nghiêm ngặt, dựa vào niềm tin rằng trẻ em phát triển mạnh trong môi trường nhất quán và được dự đoán trước.
- Một phương pháp giảng dạy phổ biến khác được gọi là Reggio Emilia – chương trình giảng dạy dựa trên sở thích của học sinh, dành chỗ cho sự tò mò tự phát và để sự sáng tạo là “kim chỉ nam” của việc giảng dạy.
- Phương pháp STEM, một cách tiếp cận giáo dục hiện đại đang phổ biến và được áp dụng rộng rãi hiện nay. Với nguyên tắc “học đi đôi với hành” cùng việc kết hợp 4 lĩnh vực trụ cột (Công nghệ, Khoa học, Kỹ thuật và Toán) vào các hoạt động STEM, phương pháp này tạo môi trường học tập sáng tạo dành cho trẻ, giúp trẻ phát huy hết khả năng tư duy của bản thân.
Lợi ích to lớn giáo dục sớm mang lại cho trẻ
Về mặt lợi ích, giáo dục sớm đặt nền tảng quan trọng trong quá trình học tập suốt đời của trẻ, ảnh hưởng tích cực đến tương lai lâu dài của chúng. Các lớp mầm non chuẩn bị cho trẻ tư duy khi bước vào lớp ba bậc tiểu học. Có nghiên cứu cho rằng những trẻ bị tụt hậu ở lớp ba nhiều khả năng sẽ bỏ học. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của những đứa trẻ và có thể trở thành gánh nặng xã hội sau này.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng các chương trình giáo dục mầm non chất lượng cao dẫn đến thu nhập cao trong tương lai, khả năng sở hữu nhà cao hơn, cuộc sống dễ chịu hơn và giảm nguy cơ phải yêu cầu giáo dục đặc biệt hoặc lưu ban.
Lợi ích kinh tế lâu dài của giáo dục mầm non cũng là điều được quan tâm. Điều này là do các chương trình mầm non làm giảm nhu cầu và giảm chi phí dành cho giáo dục đặc biệt, phúc lợi vì khi lớn lên, trẻ có khả năng tạo thu nhập ổn định, thậm chí ở mức cao.
Giáo dục sớm giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa trẻ em
Nhiều trẻ không đi học mẫu giáo đã bị tụt hậu hơn những bạn cùng lớp về học tập, xã hội, tinh thần. Ngay cả khi trẻ cố gắng thì vẫn khó có thể bắt kịp. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy sự chênh lệch biểu hiện sớm hơn. Ví dụ khả năng ngôn ngữ của trẻ 1 – 2 tuổi có thể dự đoán kỹ năng đọc viết của trẻ đó khi lên 5. Điều này cho thấy ảnh hướng giáo dục sớm quan trọng như thế nào đối với trẻ trong những năm đầu đời.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vào năm 3 tuổi, trẻ em từ các gia đình khó khăn về kinh tế nói ít hơn 30 triệu từ so với trẻ em từ các gia đình giàu có hơn. Khoảng cách này thường tiếp tục làm giảm chỉ số IQ và kết quả học tập.


Giáo dục sớm có thể đặc biệt có lợi cho những trẻ em thiếu các nguồn lực và cơ hội so với bạn cùng lứa trong giai đoạn đầu đời. Đối với trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp và những trẻ có nguy cơ thất bại trong việc học tập, giáo dục sớm là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của chúng. Bởi nó giúp tạo một sân chơi đồng đều và đảm bảo tất cả trẻ em đều có cơ hội phát triển kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.
Giáo dục sớm là vô cùng cần thiết bởi nó tạo cho trẻ cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Môi trường mầm non là nơi an toàn, hấp dẫn để trẻ tương tác với thầy cô, bạn bè cùng lứa và tham gia nhiều hoạt động học tập, giải trí bổ ích. Thông qua đó, trẻ có cơ hội khám phá những khả năng, sở thích của bản thân và hiểu cách thế giới vận hành.
Xem thêm: Top 10 lý do giáo dục sớm quan trọng với trẻ hơn bao giờ hết
Thông qua bài viết, hy vọng cha mẹ đã phần nào hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục sớm. Đây quả thực là một bước đệm đầu tiên, thiết yếu cho các cấp học của trẻ sau này, tạo điều kiện để trẻ hình thành nhân cách, phát huy trí tuệ để tiếp nhận những kiến thức đầu tiên cho quá trình học tập lâu dài.