Ba mẹ có từng nghĩ rằng mình sẽ dùng những món đồ thủ công do các con làm để trang trí trong nhà chưa? Đó là một ý tưởng khá hay, vì trẻ sẽ rất vui khi sản phẩm của mình được công nhận, dù chỉ là làm thỏ đồ chơi. Nhờ đó, ba mẹ có thể giúp con lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trên hành trình khôn lớn.
Trong hoạt động này, ba mẹ cũng có thể khơi gợi sự hào hứng của con bằng việc thách đố vui với bé xem ai làm đẹp hoặc nhanh hơn. Tuy đây là một hoạt động STEM vô cùng đơn giản nhưng sẽ giúp trẻ xây dựng nền tảng tư duy về cấu trúc 3D khá tốt và chắc chắn cũng sẽ mang lại không ít niềm vui.
Giới thiệu chung hoạt động
Hoạt động Làm thỏ đồ chơi là một trong những hoạt động theo chủ đề Lễ Phục sinh, giúp trẻ phát triển kiến thức và kỹ năng về Thiết kế & Công nghệ và Toán học. Hoạt động này sẽ tập trung vào việc xây dựng cấu trúc để tạo ra một chú thỏ.
Mục tiêu của hoạt động
Trong hoạt động Làm thỏ đồ chơi, trẻ sẽ được tìm hiểu về cấu trúc 3D. Hoạt động này có thể được sử dụng như một bài học chính, để dạy trẻ về các cấu trúc đơn giản được làm từ các bộ phận riêng biệt. Sau hoạt động Làm thỏ đồ chơi, trẻ sẽ có thể tự làm và sở hữu cho bản thân một chú thỏ xinh xắn có thể đính kèm trong thiệp trong mỗi dịp Lễ Phục Sinh.
Nguyên liệu cần thiết
Trước khi bắt tay vào làm thỏ đồ chơi, ba mẹ hãy tải bản vẽ các bộ phận của thỏ đồ chơi bên dưới nhé! Ngoài ra, ba mẹ cũng cần chuẩn bị một cây kéo nhỏ và keo dán giấy nữa.


Hướng dẫn hoạt động Làm thỏ đồ chơi
Bước 1: Cắt cẩn thận các bộ phận của thỏ đồ chơi, để ý đến đường kẻ đứt đoạn trên tai thỏ và gấp theo đường kẻ đó.
Ba mẹ hãy lưu ý với con về đường kẻ đứt đoạn trên phần tai thỏ để bé có thể ghi nhớ điều này. Trong cuộc sống, có rất nhiều sản phẩm đồ hộp có đường kẻ tương tự, vì vậy, sự lưu ý của ba mẹ hoàn toàn có ích đối với trẻ.


Bước 2: Gấp đôi các dải giấy dài đã cắt để tạo nếp, sau đó cố định các dải giấy vào chính giữa nếp gấp bằng keo dán theo hình cánh hoa.
Các nếp gấp dùng để xác định vị trí nối các dải giấy. Ở bước thứ 2 này, trẻ sẽ học được thói quen đánh dấu vào vị trí cần nhớ.


Bước 3: Dán các dải giấy lại để tạo thành quả cầu giấy làm phần thân của thỏ.
Ở bước 3, trẻ sẽ học cách làm một quả cầu giấy đơn giản.


Bước 4: Lặp lại bước 3 với các dải giấy ngắn để làm phần đầu thỏ.


Bước 5: Dán các chi tiết mắt, mũi, tai để hoàn thành sản phẩm.
Ở bước này, các chi tiết trong bản vẽ có sẵn có thể được thay thế bằng mắt, mũi, tai đồ chơi làm bằng những nguyên vật liệu khác, như vải xốp hay cúc áo, miễn là các con thích.


Sau khi đã hoàn thành, trẻ có thể trang trí cho thỏ đồ chơi một cách tùy thích, rồi trưng bày sản phẩm trong phòng riêng hoặc một góc nào đó của ngôi nhà. Hoạt động STEM thú vị này sẽ giúp trẻ hiểu được rằng mỗi vật thể đều được cấu tạo từ những bộ phận nhỏ hơn. Bằng cách này, trẻ hoàn toàn có thể tham khảo bản vẽ mẫu để tạo ra những con vật đồ chơi khác.
Chúng tôi hy vọng rằng bài viết hướng dẫn làm thỏ đồ chơi bằng giấy đã giúp trẻ học thêm nhiều điều thú vị về các cấu trúc, thiết kế đơn giản. Và sản phẩm cuối cùng của hoạt động STEM này chính là thành quả của quá trình học hỏi đó, đồng thời cũng đánh dấu một kỷ niệm đáng nhớ đối với con trẻ.