Notice: Undefined index: HTTP_REFERER in /home/tzxwhzpn/stemlazy.com/wp-content/themes/hello-elementor/hello-elementor.theme#archive on line 43
Hướng dẫn thiết kế hoạt động STEM cho trẻ

Hướng dẫn từ A-Z thiết kế hoạt động STEM cho trẻ

Nội dung

Tầm quan trọng của STEM trong quá trình học tập và phát triển của trẻ là không thể phủ nhận. Mang tính thực hành và áp dụng cao, STEM được thiết kế dựa vào sở thích, khả năng và trình độ nhận thức khác nhau của từng trẻ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến tất cả các khía cạnh liên quan đến việc thiết kế hoạt động STEM dành cho trẻ nhỏ. Đây sẽ là một bản hướng dẫn tổng hợp gồm đầy đủ cách thức, nguyên tắc thiết kế và áp dụng hoạt động STEM vào quá trình học của trẻ một cách hiệu quả nhất.

Hoạt động STEM cho trẻ

Nhận thấy việc học tập trung vào lý thuyết khiến trẻ thấy chán nản và áp lực, vì vậy phương pháp giáo dục STEM ngày càng nhận sự quan tâm từ phụ huynh các cấp. STEM là viết tắt của từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).

Chiến lược dạy học tích hợp ít nhất 2 trong 4 ngành quan trọng trên là cách các hoạt động STEM được thiết kế và giảng dạy. Cha mẹ có thể tìm hiểu sâu hơn về định nghĩa STEM tại bài viết này của chúng tôi: STEM là gì?

Vì sao cần thiết kế hoạt động STEM cho trẻ?

Hoạt động STEM được thiết kế với nguyên tắc lấy trẻ làm trung tâm. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hoạt động STEM nhằm mục đích khích lệ, cho phép trẻ thỏa sức khám phá đam mê của bản thân và làm chủ quá trình học của mình. Giáo viên hay phụ huynh có nhiệm vụ hỗ trợ, sáng tạo và biến những bài học của trẻ trở nên hấp dẫn, thú vị hơn. Với STEM, trẻ được học và hướng dẫn kỹ năng áp dụng kiến thực trên sách vở vào đời sống thực tiễn.

Một nền giáo dục sinh ra những đứa trẻ mất đi niềm đam mê học tập, mất đi sự tò mò và không có động lực học hỏi, phát triển là một nền giáo dục thất bại. Giáo dục không nên tạo những khuôn mẫu và đặt những đứa trẻ vào trong. Thay vào đó là kiến tạo nên một hành trình học tập đầy thú vị, kích thích sự tự giác trong học tập. Thầy cô và cha mẹ phải là những người truyền cảm hứng, thúc đẩy đam mê giúp trẻ xem việc học là việc cả đời.

Hoạt động STEM giảm tải sự nhàm chán của chương trình học ở trường. STEM biến trường học không còn là một địa điểm phải đến mà đó là nơi mang lại trải nghiệm học tập thú vị. Hoạt động STEM xóa tan khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn giúp trẻ hiểu bản chất lý thuyết được học thông qua việc thực hành. Những người làm giáo dục phải luôn phát triển, thử nghiệm và học hỏi để thiết kế những hoạt động STEM phù hợp và mang đến hiệu quả cao.

Xem thêm: Lợi ích của hoạt động STEM dành cho trẻ tiểu học.

Các chiến lược dạy học STEM theo phương pháp Inquiry- Based (Giảng dạy/ Học tập theo yêu cầu)

Đây là chiến lược giảng dạy STEM bằng cách thúc đẩy việc tự tìm hiểu và đặt câu hỏi của trẻ. Cụ thể, trẻ được khích lệ đặt những câu hỏi đa dạng gồm 4 loại chính: câu hỏi theo cấu trúc, câu hỏi theo hướng dẫn, câu hỏi có kiểm soát và câu hỏi tự do. Qua đó, người dạy sẽ đánh giá năng lực, sở thích của từng trẻ để thiết kế lộ trình riêng dành cho mỗi cá nhân.

Quan trọng hơn, trẻ sẽ đóng một phần quan trọng trong việc xây dựng lộ trình học của chính mình. Điều này cho phép trẻ học những gì mình thích, từ đó tạo động lực tự học lớn lao.

Về cơ bản, chiến lược này cho phép trẻ phát triển khả năng tự định hướng việc học của bản thân. Học chủ động là con đường ngắn nhất để đi tới thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Đây là một kỹ năng tuyệt vời để tiếp tục phát triển và đạt thành tựu lớn trong tương lai xa. Có 4 chiến lược dạy STEM dựa vào phương pháp học theo yêu cầu cha mẹ có thể tham khảo.

Làm thế nào để áp dụng các hoạt động STEM vào giờ học?

Một trong những điều tuyệt vời nhất của các bài học và hoạt động STEM là khả năng dễ áp dụng, thích ứng cao. Mọi hoạt động STEM có thể được điều chỉnh để phù hợp với lứa tuổi, sở thích, khả năng và thậm chí là quy mô lớp học. Cha mẹ hay giáo viên có thể điều chỉnh giáo trình STEM để phù hợp với từng đối tượng, có trẻ chậm có trẻ nhanh và mỗi trẻ có những năng khiếu khác biệt nhau.

STEM cũng giúp hoạt động giảng dạy trở nên đa dạng và linh hoạt hơn thông qua hoạt động, trò chơi. Khám phá những cách áp dụng hiệu quả hoạt động STEM vào giờ học tại đây.

thiết kế hoạt động STEM

Ý tưởng thiết kế hoạt động STEM cho trẻ

Thầy cô và cha mẹ có thể sáng tạo hàng trăm hoạt động STEM dành cho trẻ dựa vào hoàn cảnh cũng như vật dụng có sẵn từ việc tái chế, tạo đồ chơi, trang trí hay các hoạt động dã ngoại theo nhóm.

Ý tưởng về các hoạt động STEM sẽ được xây dựng dựa vào sở thích, năng khiếu và khả năng nhận thức của từng trẻ. Có trẻ thiên về các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật sẽ phù hợp với hoạt động như làm đồ thủ công. Những trẻ nhạy bén về con số và toán học có thể phù hợp với hoạt động như trò chơi giả định đi chợ mua đồ.

Thiết kế hoạt động STEM và giáo án STEM cho mọi chủ đề

Khi đã nắm được nguyên tắc hoạt động của STEM, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển các hoạt động và ý tưởng trong việc thiết kế giáo án STEM. Trên thực tế, STEM có một khả năng tuyệt vời đó là tùy chỉnh, áp dụng và phát triển để phù hợp với khả năng của trẻ ở các lứa tuổi khác nhau. Hãy sử dụng sự sáng tạo trong quá trình thiết kế STEM bởi đây là cách hữu hiệu nhất để kích thích niềm vui trong học tập của trẻ.

Xem thêm: 5 bước thiết kế hoạt động STEM cho trẻ

Đồ chơi và học liệu giáo dục STEM

Giáo dục STEM ngày càng phổ biến, đồng nghĩa với việc có rất nhiều sản phẩm và bộ dụng cụ tiện lợi hỗ trợ cho quá trình học. Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo kỹ càng để lựa chọn được những nguồn học liệu, đồ chơi chất lượng và phù hợp dành cho trẻ.

Đồ chơi và học liệu STEM rất đa dạng, phục vụ cho mọi nhu cầu và sở thích của trẻ. Việc của cha mẹ và giáo viên là tìm ra những bộ phù hợp để khơi dậy sự hào hứng và niềm đam mê. Cha mẹ có thể tham khảo ở một số trang web bán hàng uy tín. Họ giới thiệu tên sản phẩm, cách sử dụng rõ ràng đồng thời cũng gợi ý độ tuổi phù hợp cho đồ chơi đó.

Nếu trẻ yêu thích khám phá chuyển động của các động cơ, cha mẹ có thể mua cho trẻ mô hình thang máy, mô hình máy hút bụi. Hay trẻ thích sáng tạo và tự tay làm đồ vật, cha mẹ có thể tham khảo một số hộp đồ chơi DIY cung cấp đầy đủ dụng cụ cần thiết.

Xem thêm: Tổng hợp website học STEM tốt nhất 2021

Danh mục các hoạt động STEM thú vị cho trẻ

Theo lứa tuổi

Dựa vào độ tuổi để thiết kế những hoạt động khác nhau dành cho trẻ nhằm kích thích sự khám phá, tò mò của chúng. Ví dụ trẻ mầm non từ 0 – 6 tuổi, hoạt động STEM được thiết kế thông qua những trải nghiệm thực tế bởi đặc điểm của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Thầy cô và cha mẹ có thể tổ chức những hoạt động, ví dụ: trồng cây và theo dõi sự phát triển của cây, sáng tạo món đồ chơi yêu thích như chong chóng quay. Tập trung cho trẻ thấy những thay đổi, diễn biến của sự vật, hiện tượng thay vì dạy trẻ lý thuyết.

Khi trẻ ở các cấp học cao, hoạt động STEM sẽ lồng ghép các nguyên lý khoa học phức tạp hơn. Trẻ bắt đầu làm quen những khái niệm, định luật cơ bản ở cấp tiểu học. Hoạt động STEM sẽ giúp trẻ phát triển năng lực tư duy, sáng tạo ví dụ: tiếp cận với lập trình, hiểu cơ chế hoạt động đồ công nghệ, tham gia thí nghiệm khoa học. Bên cạnh đó, tạo ra những cơ hội trải nghiệm thực tế là cách tốt nhất để xóa khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn.

Theo chủ đề

Nước là nguyên liệu có sẵn tuyệt vời để tạo nên những hoạt động STEM thú vị. Nó rất an toàn với trẻ và hiếm có trẻ nào không thích chơi với nước. Cha mẹ và thầy cô có thể thiết kế những thí nghiệm và dự án sử dụng nước như: khám phá các chất khác nhau khi trộn vào nước (không phải chất nào cũng tan), tìm hiểu các đặc tính của pH, so sánh dầu và nước…

Các hoạt động vật lý và khám phá Định luật chuyển động của Newton. Không cần phải một thí nghiệm ở bậc đại học, cha mẹ và thầy cô có thể sáng tạo hoạt động sử dụng bóng bay để trẻ khám phá nguyên tắc của định luật này.

Máy móc cũng là một trong những công cụ hỗ trợ các hoạt động STEM hiệu quả. Hầu hết trẻ em đều tò mò cách những loại máy móc được hình thành. Khám phá điều gì khiến chúng chuyển động? Hiểu được nguyên lý kỹ thuật cơ khí để tạo thành ô tô, xe tải hay máy bay. Cha mẹ có thể tham khảo những bài học STEM về kỹ thuật cơ khí được truyền cảm hứng từ Leonardo da Vinci.

Hóa học là môn học khó với nhiều trẻ nhưng nếu biết cách tiếp cận bằng hoạt động STEM, nó sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều. Cha mẹ và thầy cô có thể tổ chức những buổi thí nghiệm tại nhà hoặc lớp học, ví dụ: đốt nến, nhận biết O2 trong không khí…

thiết kế hoạt động STEM

Chọn sách STEM để hỗ trợ các hoạt động STEM tốt nhất

Sách STEM cũng là một trong những công cụ hữu ích khơi gợi niềm đam mê học hỏi kiến thức. Hầu hết các cuốn sách được minh họa đẹp mắt, trực quan và dễ hiểu kích thích trí tò mò và khám phá của trẻ. Cha mẹ nên tham khảo kỹ nội dung trước khi mua sách đảm bảo phù hợp với khả năng và sở thích của con.

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, lý thuyết một cách trực quan bằng hình ảnh. Nhiều cuốn sách sẽ gợi ý dụng cụ và quá trình để trẻ thực hiện một số thí nghiệm. Những thí nghiệm thú vị này giúp các con tìm hiểu thế giới xung quanh, từ đó giải thích những hiện tượng thường thấy trong cuộc sống. Các thí nghiệm được minh họa từng bước kèm hình ảnh giúp các con dễ dàng thao tác theo và đảm bảo an toàn.

Trên đây là hướng dẫn đầy đủ về các cách thiết kế hoạt động STEM theo chủ đề dành cho trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung trong quá trình khám phá những tài nguyên STEM hữu ích và giá trị. Hy vọng qua bài viết, cha mẹ, thầy cô sẽ lựa chọn được những phương pháp thích hợp thiết kế hoạt động STEM bổ ích dành cho trẻ. Qua đó, thúc đẩy niềm đam mê khám phá tri thức của các con, biến mỗi ngày đi học trở thành một ngày vui đối với con trẻ.