Nguyên lý nào giúp chúng ta nghe được âm thanh? Cùng đến với hoạt động STEM 15 phút: Những hạt muối nhảy múa để khám phá cách mà âm thanh tác động đến xung quanh và đến tai của chúng ta nhé.
Chuẩn bị dụng cụ cho hoạt động
Để thực hiện hoạt động Những hạt muối nhảy múa, bạn cần chuẩn bị vài thứ đơn giản sau:
- Màng dính chống thấm nước
- Bát/ thau đựng lớn x 1 cái
- Muối
- Hệ thống âm thanh, loa
- Màu thực phẩm (tùy chọn)
- Các nguyên liệu có kích thước khác nhau như: gạo, đường…
Hướng dẫn hoạt động Những hạt muối nhảy múa
Lưu ý: Để có kết quả tốt nhất, hãy đặt loa không dây trực tiếp bên trong bát đựng trước khi phủ màng dính chống thấm nước.
Bước 1: Cho loa không dây vào trong bát. Sau đó che kín miệng bát với màng dính chống thấm nước và nên giữ bề mặt màng dính đủ độ phẳng và căng.
Bước 2: Cho một ít muối vào giữa bề mặt màng dính chống thấm nước. Bạn có thể nhuộm muối với màu thực phẩm để dễ quan sát hơn.
Bước 3: Bật hệ thống âm thanh để loa phát nhạc. Sau đó quan sát sự di chuyển/ dao động của các hạt muối. Nếu bạn để loa ngoài bát thì nên điều chỉnh vị trí của loa xung quanh bát sao cho có được vị trí có thể quan sát các hạt muối chuyển động rõ ràng nhất.
Bước 4: Quan sát sự thay đổi của các hạt muối khi bạn thay đổi số lượng muối, hoặc giai điệu bản nhạc. Đánh giá xem loại nhạc nào làm cho chuyển động muối đẹp nhất. Và đếm xem những hạt muối có bao nhiêu cách chuyển động.
Thực hiện thí nghiệm tương tự với các nguyên liệu có kích thước khác nhau như: gạo, đường, đường caster để xem sự chuyển động khác nhau của chúng. Sau đó, rút ra nhận xét khi có âm thanh tác động thì các nguyên liệu có kích thước/ khối lượng khác nhau sẽ có chuyển động như thế nào?
Lưu ý: Nên sử dụng cùng những loại âm thanh/ bài nhạc để việc so sánh dễ dàng hơn.
Kiến thức tích lũy
Loa tạo ra sóng âm thanh, sống âm thanh này là sóng cơ học lan truyền trong môi trường vật chất. Qua thí nghiệm, chúng ta tạo ra âm thanh bằng cách gây nhiễu động trong không gian, nhiễu động lan truyền ra khỏi loa và chuyển thành năng lượng đập vào bát và màng dính làm cho các hạt muối “nhảy múa”. Tùy vào tần số (số lượng sóng âm trong một giây) và âm lượng (độ to/ nhỏ của sóng âm) tác động mà tạo nên những cách chuyển động khác nhau của các hạt muối.
Hy vọng hoạt động “Những hạt muối nhảy múa” trên đây đã mang đến những khái niệm dễ hiểu và bổ ích về âm thanh cho bé.