Để hoạt động STEM diễn ra hiệu quả, việc chuẩn bị và xây dựng giáo án STEM là rất quan trọng. Khác với giáo án truyền thống chỉ tập trung vào nội dung trong sách giáo khoa, giáo dục STEM đề cao việc học chủ động thông qua những dự án thực tiễn. Điều này đòi hỏi giáo viên linh hoạt lồng ghép kiến thức hàn lâm vào giải quyết vấn đề thực tế. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra 10 câu hỏi, lời giải của chúng cũng chính là kinh nghiệm giúp giáo viên dễ dàng lập kế hoạch giáo án STEM dành cho trẻ ở nhiều độ tuổi.
Tại sao trẻ nên học STEM?
Đây là câu hỏi đầu tiên những người xây dựng giáo trình STEM nên đặt ra. Bởi trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, ta cần hiểu giá trị mà việc đó mang lại. Hoạt động STEM là một phương pháp giáo dục hiện đại kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn của nhiều lĩnh vực công nghệ, khoa học. Điều này vừa giúp trẻ tìm thấy sự hứng thú trong quá trình học vừa tạo cơ hội để trẻ phát triển tư duy, kỹ năng toàn diện.
Trẻ cần học gì khi học STEM?
Tham gia các hoạt động STEM, trẻ cần học kỹ năng liên quan đến kỹ thuật và tư duy logic kết hợp nhiều lĩnh vực để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, nội dung các bài học STEM cần bao gồm kiến thức cụ thể về toán học và khoa học. Lồng ghép những nội dung học vào tình huống trong thực tế, từ đó đưa ra hướng giải quyết bằng cách áp dụng những kiến thức được học.
Tóm lại, học STEM giúp trẻ áp dụng được khái niệm, lý thuyết hàn lâm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, qua đó hiểu bản chất nội dung mình đang học.
Bài học STEM nhắm đến đối tượng học sinh nào?
Trẻ có thể bắt đầu học STEM từ lứa tuổi mầm non – giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất. Người xây dựng giáo án STEM cần nắm được trình độ và sở thích của trẻ theo từng giai đoạn phát triển. Trẻ càng học lên cao, kiến thức phải tiếp thu càng phức tạp và cao cấp hơn đòi hỏi giáo trình cần sự đầu tư nhất định. Vì vậy, thầy cô hãy xác định đối tượng học sinh của mình là ai từ đó có sự điều chỉnh giáo án STEM phù hợp kích thích trẻ phát huy đúng năng lực của mình.
Làm thế nào để thu hút trẻ thông qua việc đặt những câu hỏi và thực hành?
Đây là hai khía cạnh quan trọng của hoạt động STEM gồm học bằng cách tự đặt câu hỏi và thông qua thực hành. Giáo án dạy STEM cần khích lệ trẻ tự do đặt những câu hỏi xoay quanh vấn đề được thảo luận, đào sâu và đưa ra giải pháp giải quyết.
Điểm quan trọng ở quá trình này đó là cách thầy cô giúp trẻ hiểu rằng mắc sai lầm không có gì là đáng xấu hổ. Đó là bước tất yếu cần có để trẻ học hỏi và đưa ra những giải pháp tốt hơn ở lần sau. Vì vậy giáo án cần đưa hoạt động nghiên cứu mở và khuyến khích trẻ thoải mái nêu ra ý tưởng của bản thân mà không có bất kỳ một rào cản hay hạn chế nào.
Giáo án STEM có cần tập trung vào các kỹ năng của thế kỷ 21?
Vậy những kỹ năng của thế kỷ 21 là gì? Bạn cần định nghĩa điều này trước tiên. Và cách tốt nhất để biết danh sách những kỹ năng thời đại công nghệ số cần, đó là trò chuyện với những người đứng đầu các công ty hoặc doanh nghiệp. Bởi không ai muốn ngành giáo dục thành công, đào tạo ra những nhân tài phục vụ cho lực lượng lao động thế kỷ 21 hơn là những doanh nghiệp. Vì vậy, thầy cô, những người xây dựng giáo án STEM cần biết những kỹ năng này để thiết kế lồng ghép chúng hiệu quả vào bài học STEM.
Cần kiến thức và chuyên môn gì để xây dựng giáo án STEM?
Người xây dựng giáo án STEM cần dành thời gian để nghiên cứu thông tin, những bài học STEM có sẵn từ nhiều nguồn. Hiểu rõ và sâu kiến thức về chủ đề hay lĩnh vực bạn muốn đưa vào bài học STEM của mình. Sau đó hãy bắt tay vào soạn giáo án.
Không có chuẩn mực nào cho bài học STEM, bạn cần thử nghiệm nhiều lần sau đó sẽ tự rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những lần thiết kế bài giảng STEM sau.
Đánh giá sự hiệu quả của giáo án STEM như thế nào?
Bạn cần liên tục cập nhật dữ liệu bằng cách quan sát học sinh tương tác với hoạt động, dự án STEM. Trẻ đưa ra câu hỏi gì? Cách tiếp cận giải quyết vấn đề ra sao? Mức độ nhiệt tình tham gia trao đổi đến đâu? Thầy cô cũng có thể tạo những bảng đánh giá đưa học sinh điền vào sau mỗi bài STEM. Nhớ rằng mục tiêu chính của giáo án STEM vẫn là tập trung vào cách tiếp cận, giải quyết vấn đề và thói quen học sinh được hình thành trong quá trình tham gia những dự án STEM đó.
Bài học STEM có thể trở thành tài liệu để sử dụng nhiều lần và có tính nhân rộng không?
Cụ thể hơn đó là các bài học STEM bạn xây dựng có đủ chi tiết, nội dung hiệu quả để các giáo viên khác làm tài nguyên sử dụng trong bài giảng của họ hay không? Bạn có thể nhờ một số người chuyên môn đánh giá thiết kế giáo án STEM của bạn và tìm những điểm chưa phù hợp để điều chỉnh. Nếu có khả năng, bạn hãy dành thời gian và công sức để xây dựng một giáo án có khả năng áp dụng lâu dài.
Cần hỗ trợ gì khi xây dựng giáo án STEM?
Khi xây dựng giáo án STEM, giáo viên nên cân nhắc số ngày có thể hoàn thành, trang thiết bị cần sử dụng và những sự trợ giúp đến từ phía gia đình hoặc doanh nghiệp. Nếu thiếu những thiết bị hay hỗ trợ cần thiết để xây dựng giáo án STEM hiệu quả, bạn cần đề xuất và tìm cách khắc phục với những bên liên quan gồm nhà trường, phụ huynh và doanh nghiệp.
Chia sẻ bài học STEM như thế nào?
Cách đơn giản nhất đó là áp dụng ngay với những học sinh mục tiêu mà bạn đã xác định từ khi xây dựng giáo án STEM. Bạn cũng có thể chia sẻ với những đồng nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến STEM để nhận lời góp ý từ họ. Thầy cô cũng có thể chia sẻ trên những trang thông tin trực tuyến thông qua: tài khoản cá nhân, blog, hội nhóm học STEM. Tìm cách chia sẻ bài tập STEM mà bạn xây dựng, đó cũng là một phương pháp hiệu quả để đánh giá mức độ thành công của bài tập đó và nhận được phản hồi từ bên ngoài.
Trên đây là 10 câu hỏi tương ứng với 10 kinh nghiệm hữu ích mà thầy cô, những người làm giáo dục nên cân nhắc trong quá trình xây dựng giáo án STEM. Nắm được nguyên lý hoạt động STEM, giá trị nó mang lại và đối tượng bạn nhắm đến sau đó hãy bắt tay vào xây dựng giáo án STEM.
Đó là một quá trình cần đầu tư thời gian, công sức để làm, thử, chỉnh sửa, làm lại rồi lại tiếp tục thử và điều chỉnh phù hợp. Dần dần bạn sẽ có thể sáng tạo, xây dựng giáo án STEM giúp học sinh hào hứng và phát huy hết tiềm năng trong quá trình học tập.
Chúc bạn thành công.